Sự phát triển của ngành quảng cáo, truyền thông và giải trí kỹ thuật số làm cho khái niệm thiết kế đồ họa (graphic design) trở nên chật chội và lẫn lộn trong nhiều trường hợp.
Một số bạn trẻ chọn học ngành thiết kế đồ họa mà không biết rằng mình đã bỏ lỡ một thế giới khác rộng lớn, với nhiều kiến thức công cụ màu nhiệm hơn, nhiều cơ hội việc làm hơn. Đó là mỹ thuật đa phương tiện (multimedia design).
Vậy thiết kế đồ họa khác gì mỹ thuật đa phương tiện? Ông Đinh Trí Dũng, Hiệu trưởng trường đào tạo mỹ thuật đa phương tiện đã giải đáp một số thắc mắc của các bạn trẻ về vấn đề này.
- Thưa thầy, thầy có thể giúp em phân biệt hai ngành Thiết kế đồ họa và Mỹ thuật đa phương tiện? (Nguyễn Ngọc Anh, Cầu Giấy, Hà Nội).
- Thiết kế đồ họa là việc sử dụng các phần mềm xử lý ảnh, vẽ vector, dàn trang, dựa trên nền tảng mỹ thuật, sức sáng tạo của người làm thiết kế và nhu cầu cụ thể của khách hàng để tạo ra các file kỹ thuật số. Các file này sẽ dùng để in trên những mặt phẳng như sách, báo, tạp chí, các chất liệu ngoài trời (biển quảng cáo, nhãn hàng, bao bì sản phẩm, áo thun, túi xách…).
Mỹ thuật đa phương tiện là sự hòa quyện giữa mỹ thuật, công nghệ và sáng tạo.
Nếu như thiết kế đồ hoạ là “tĩnh”, trên mặt phẳng 2D, thì mỹ thuật đa phương tiện là “động” (hình ảnh động, âm thanh, hoạt hình, đồ họa động), kết hợp nhiều môi trường thể hiện và truyền thông khác nhau (hoạt hình 3D, phim, video âm nhạc, game) và thường được cảm nhận trọn vẹn trên các thiết bị đầu cuối (màn hình máy tính, TV, thiết bị cầm tay, rạp chiếu phim, thậm chí là một buổi trình diễn thực tế trên sân khấu hoặc ngoài trời).
Sở dĩ khái niệm thiết kế đồ họa còn chật chội vì trong các mã ngành đào tạo đại học hiện nay, Bộ Giáo dục chưa cung cấp mã ngành MTĐPT ngoài mã ngành gần nhất là D210403 (thiết kế đồ hoạ) và một số ngành “họ hàng” khác như thiết kế công nghiệp, thiết kế thời trang, thiết kế nội thất.
Chính vì chưa có chuyên ngành chính thức nên một số hình thức đào tạo bổ sung của các trường đại học cho sinh viên để theo kịp xu thế của một số cơ sở đào tạo theo nhu cầu thị trường bị ghép chung khái niệm “thiết kế đồ hoạ”.
- Nếu chọn một trong hai ngành thiết kế đồ họa và mỹ thuật đa phương tiện, em sẽ được học những gì, công việc sau khi ra trường thế nào, thưa thầy? (Hoàng Nam Giang, Kiến Xương, Thái Bình).
- Một cách khái quát, thiết kế đồ hoạ là nền tảng, bước khởi đầu để mở thế giới thiết kế mỹ thuật đa phương tiện rộng lớn. Nhưng trước khi nắm bắt mỹ thuật đa phương tiện, bạn cần am hiểu và bắt đầu từ những lý thuyết căn bản về thiết kế đồ họa, bố cục, các chất liệu cơ bản về điểm, nét, hình, khoảng trắng, màu sắc, vật liệu, các nguyên tắc thiết kế đồ họa, kiến thức về thị giác hình ảnh, nghệ thuật chữ (typography)…
Tại các cơ sở đào tạo quốc tế về mỹ thuật đa phương tiện, thời lượng học thiết kế đồ hoạ chiếm tỷ trọng 25-30% tổng thời gian học của chương trình. Học xong thiết kế đồ họa, bạn có thể làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, nhận diện thương hiệu, in ấn, dàn trang sách báo, xử lý ảnh với các chức danh: chuyên viên thiết kế đồ họa (graphic designer), họa sĩ minh họa (illustrator), chuyên viên xử lý ảnh (photo editor), họa sĩ trình bày (layout artists)…
Còn khi học tiếp để hoàn thành khóa thiết kế mỹ thuật đa phương tiện, bạn không chỉ nắm chắc về thiết kế đồ hoạ, mà còn hoàn toàn có thể Thiết kế giao diện web (web designer) và thiết kế đồ họa động 2D (flash animator), trở thành chuyên gia biên tập phim và âm thanh (audio/video editor), chuyên gia biên kịch (storyboard), chuyên gia kỹ xảo điện ảnh, hậu kỳ (VFX compositor), chuyên gia sản xuất game, dựng mô hình nội ngoại thất (3D animator, 3D modeler)… mở ra nhiều cảm hứng, nhiều công cụ và cơ hội việc làm.
- Theo thầy, học thiết kế có cần năng khiếu không ạ? (Phạm Hoàng Nam, Tân Bình, TP HCM).
- Thầy Vương Trọng Đức (Khoa Thiết kế đồ hoạ, Đại học Mỹ thuật Việt Nam) từng chia sẻ: “Tôi đồng ý với những chuyên gia đi trước: năng khiếu, tài năng là một lợi thế nhưng không phải là mấu chốt. Điều quyết định là sự nhiệt huyết, quyết tâm, đam mê, lao động”.
Vẽ đẹp không là điều kiện tiên quyết, nhưng là một lợi thế cho việc học thiết kế.
Thiết kế đồ họa và mỹ thuật đa phương tiện đều là ngành học của sự sáng tạo, không gò bó, đòi hỏi việc đầu tư tối đa chất xám và trí tuệ. Mỗi “đứa con tinh thần” phải có sự khác biệt về cách thức thể hiện, nội dung, không có chuyện lặp đi lặp lại một thiết kế cho các sản phẩm.
Nếu không có sự sáng tạo, tác phẩm thiết kế sẽ hoặc không được chấp nhận hoặc nhanh chóng bị đào thải. Tuy nhiên, khả năng sáng tạo đó lại cần sự kiên nhẫn và đào tạo bài bản. Sáng tạo không phải là một tố chất chỉ bẩm sinh mới có, mà là thứ có thể học hỏi và luyện tập được.
Nguồn Zing