Mài giũa kĩ năng thiết kế thời trang
Không có chương trình chính thống hoặc bằng cấp nào có thể đảm bảo sự thành công cho bạn khi dấn thân vào con đường thiết kế thời trang. Để trở thành một nhà thiết kế, bạn cần phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các kĩ năng vẽ, may vá và thiết kế, bên cạnh đó là kiến thức về ngành công nghiệp thời trang và sự kiên trì bền bỉ. Bạn còn phải có một hồ sơ năng lực thiết kế thật ấn tượng và có hiểu biết chung về kinh doanh lẫn tài chính.
Phát triển kĩ năng của bạn. Các nhà thiết kế thời trang danh tiếng thường sở hữu rất nhiều kĩ năng, bao gồm vẽ, khả năng phối màu và chất liệu, khả năng mường tượng các mẫu thiết kế trong không gian ba chiều, kĩ thuật may vá và cắt xén trên mọi loại vải.
Hãy theo học một khoá cắt may đẳng cấp nếu hiện tại bạn chưa thành thạo kĩ năng này. Có khả năng may vá nhiều loại vải khó xử lý trong những tình huống thách thức sẽ giúp bạn giữ vững sự nghiệp của mình, tuy nhiên, bạn cần phải rèn luyện nó – đó là một kĩ năng khó đạt được đối với nhiều người.
Nắm được độ mềm, độ thoáng mát, độ bền của vải…. Sự hiểu biết sâu sắc về các loại vải là cực kì cần thiết để có thể sử dụng nó đúng cách trong thiết kế. Ngoài ra, bạn còn phải biết các nguồn để nhập vải về.
Học hỏi từ những nhà thiết kế đương thời, không chỉ họ là ai, mà còn cả xuất thân, phong cách riêng, quá trình học tập và nơi họ được đào tạo nữa. Những điều này sẽ giúp bạn trở thành một nhà thiết kế giỏi hơn vì bạn có thể mượn và phát triển những ý tưởng của họ.
Học cách tạo ra bảng ý tưởng và phạm vi sản phẩm. Bạn cần phải giỏi trong việc nghiên cứu xu hướng thời trang và tìm ra cảm hứng từ các trang mạng xã hội, so sánh giá cả và chất lượng của nhiều nhãn hàng khác nhau và các chương trình triển lãm thương mại.
Bắt đầu phát triển những kĩ năng này từ sớm. Hãy sẵn sàng dành thật nhiều thời gian trong việc hoàn thiện kĩ năng của mình. Mỗi ngày luyện tập một chút sẽ giúp bạn có được kiến thức sâu sắc về lâu dài nếu bạn định dấn thân vào sự nghiệp này. Nếu bạn cố gắng đạt được mọi thứ cùng một lúc, bạn sẽ rất dễ bị nản chí.
Học hỏi nhiều hơn. Nếu có thể, bạn nên đi học để lấy được bằng hoặc chứng chỉ trong ngành thiết kế thời trang, hoặc theo học các chương trình có liên quan. Bạn sẽ học được nhiều điều, có thêm nhiều mối quan hệ tuyệt vời và giành được nhiều cơ hội để thể hiện kĩ năng trong một môi trường đỡ khắc nghiệt hơn thực tế (nhưng bạn vẫn phải sẵn sàng đón nhận những lời phê bình!) Hãy làm một trong hai (hoặc cả hai) việc sau:
Học lấy bằng thiết kế thời trang. Hầu hết các chương trình đều kéo dài từ 3 tới 4 năm. FIDM và Parsons là hai trường đào tào thiết kế thời trang nổi tiếng nhất tại Mỹ. Bạn sẽ được học vẽ, phối màu và bố trí, tạo hoạ tiết và thiết kế rập.[1] Để có thể học được những kĩ năng thiết yếu đó, bạn sẽ phải làm việc cùng các chuyên gia trong ngành, đó là những mối quan hệ tiềm năng trong tương lai, họ có thể cho bạn những lời khuyên và góp ý về sản phẩm.
Đăng kí thực tập hoặc học việc. Nếu bạn không thích theo học tại trường, hoặc đơn giản là bạn muốn học tập kinh nghiệm thực tế, hãy tìm các cơ hội để thực tập trong ngành thiết kế thời trang. Bạn sẽ cần tới một bộ hồ sơ cá nhân ấn tượng và sẵn lòng bắt đầu từ vị trí thấp nhất; các thực tập viên sẽ được giao những nhiệm vụ nho nhỏ như đi lấy cà phê. Những mối quan hệ mà bạn có được trong quá trình thực tập hoặc học việc sẽ rất quan trọng trong sự nghiệp tương lai, và kinh nghiệm làm việc với các chuyên gia trong ngành sẽ mang lại cho bạn cơ hội được trực tiếp học hỏi những kĩ năng quan trọng.
Tìm ra niềm đam mê trong phong cách thời trang
Quyết định xem bạn thích lĩnh vực thiết kế thời trang nào nhất. Có thể bạn sẽ phải bắt đầu từ con số 0, nhưng bạn vẫn nên định sẵn một số mục tiêu về loại thiết kế mà mình sẽ theo đuổi lâu dài. Bạn thích nhất là may đo cao cấp (haute couture), thời trang tiện dụng, trang phục thể thao, thời trang phổ cập hay hướng tới những thị trường độc đáo hơn như thời trang sinh thái? Mỗi lĩnh vực đều có ưu điểm và nhược điểm mà bạn cần phải nghiên cứu trước khi ra quyết định cuối cùng. Trong từng lĩnh vực chính như trên, bạn cũng sẽ phải quyết định về một số nhánh con khác. Bạn có thể muốn thực hiện thật nhiều ý tưởng, nhưng khi mới tập tành vào nghề thì đừng tự ép bản thân. Tốt hơn là bạn nên hoàn hiện thiết kế của mình trong một lĩnh vực trước, sau đó, thử nghiệm các ý tưởng khác khi đã có chỗ đứng vững chắc trong ngành. Ví dụ:
Trang phục nữ ban ngày, trang phục nữ buổi tối
Trang phục nam ban ngày, trang phục nam buổi tối
Trang phục trẻ em nam/nữ; trang phục thanh thiếu niên
Trang phục thể hình/thể thao/vận động
Đồ dệt kim
Trang phục dã ngoại, thám hiểm, đồ mặc ngoài
Trang phục cưới
Phụ kiện
Trang phục thường ngày
Đồ hoá trang dành cho kịch, phim, quảng cáo và bán lẻ.
Hạ thấp cái tôi. Nghĩ về những nhu cầu thật sự trước khi để tâm tới danh tiếng. Những bộ trang phục lộng lẫy không thể giúp bạn kiếm đủ tiền. Nếu bạn định trở thành nhà thiết kế thời trang, bạn sẽ không thể chỉ tự may quần áo cho mình hoặc những người nổi tiếng được. Làm như vậy sẽ không giúp bạn kiếm đủ tiền để trang trải cuộc sống vì những người đó không chiếm tới 1% dân số. Ngay cả khi bạn thấy những cái tên nổi như cồn trên tạp chí đi nữa thì đó cũng chỉ là quảng cáo, không phải là thực tế. Mọi việc sẽ không diễn ra như vậy. Những người sở hữu cơ thể không hoàn hảo mà vẫn muốn có vẻ ngoài xinh đẹp mới thật sự cần tới các nhà thiết kế thời trang. Thái độ thiếu tôn trọng họ sẽ cản trở việc kiếm tiền của bạn. Thực tế là bạn sẽ không thiết kế trang phục cho mình mà là cho người khác.
Hỏi nhu cầu của khách hàng. Hãy thực tế: nếu bạn sống tại một đất nước có khí hậu ấm nóng, bạn sẽ không thể bán được áo khoác trượt tuyết. Bạn cần phải quan sát xung quanh. Mọi người cần gì và muốn gì? Ví dụ: nếu bạn định thiết kế cả một bộ sưu tập, bạn sẽ cần làm ra nhiều áo hơn chân váy/quần, vì nhìn chung, hầu hết ai cũng sở hữu nhiều áo hơn. Để thay đổi diện mạo, áo sẽ là loại trang phục tuyệt vời, còn một chiếc quần trơn vừa vặn sẽ luôn phù hợp với hầu hết mọi kiểu áo. Hãy luôn đơn giản và thực tế. Những bản phác thảo thiết kế xa hoa trên giấy luôn trông rất tuyệt với, nhưng những chiếc áo và quần bò đẹp mới đem lại doanh số bán hàng áp đảo so với váy dạ tiệc.
Hãy nhượng bộ. Thời trang phổ thông có thể không lộng lẫy bằng những chiếc váy dạ tiệc hoặc trang phục xa hoa, nhưng nó có thể giúp bạn tiến xa và kiếm được tiền. Nếu bạn cần phải sáng tạo nên một kiểu trang phục để sản xuất tới hơn trăm lần, bạn sẽ phải làm đúng ngay từ đầu. Việc này sẽ cải thiện kĩ năng thiết kế cho bạn vì bạn sẽ phải hiểu biết tuyệt đối về loại vải cần dùng. Những kiểu dáng trang phục xấu sẽ bị ế và làm sếp bạn bị lỗ vốn.
Lấy cảm hứng từ những đối thủ cạnh tranh. Quan sát và lưu tâm tới chất liệu vải họ sử dụng; kích cỡ khoá kéo của họ (để quần áo của họ được bền khi sử dụng); chất lượng vải và các đặc tính của nó như độ thấm hút, thoải mái, thoáng mát; màu sắc thịnh hành ở nơi bạn sinh sống. Tham khảo đối thủ cạnh tranh không phải là sự sao chép: đó là sự quan sát. Nhờ việc học hỏi những ưu điểm của từng sản phẩm và phân tích chúng, bạn sẽ hiểu thêm về đặc điểm của một bộ trang phục “được yêu thích”. Chúng thường là những bộ đồ bán chạy nhất. Khách hàng của bạn (dù họ mua về để bán lại hay chỉ là khách mua lẻ thông thường) sẽ muốn những bộ đồ khiến họ trở nên xinh đẹp hơn. Những trang phục lộng lẫy chỉ được mặc một năm vài dịp thôi, và chúng không thể mang lại cho bạn đủ thu nhập.
Lên kế hoạch cho những trang phục chủ chốt. Điểm mạnh tuyệt đối của bạn trong thiết kế là gì? Có thể bạn thiết kế phụ kiện thời trang rất có nghề, hoặc bạn là thiên tài trong việc tạo ra những chiếc quần yoga. Niềm đam mê và kĩ năng chính là điều kiện cần. Đương nhiên, điều kiện đủ là chúng phải phù hợp với thị hiếu – mà trong thời trang, một phần của thị hiếu chính là thuyết phục người mua và phần còn lại nhận ra nhu cầu của thị trường.
Nguồn internet